Hiện nay, cơ sở hạ tầng tại đảo Cồn Cỏ đã được các cấp chính quyền tỉnh Quảng Trị quan tâm, đầu tư, tuy nhiên chưa đồng bộ: Hệ thống điện, nước sinh hoạt cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu của nhân dân trên đảo; cơ sở hạ tầng, đường giao thông đã được kiên cố hóa; lĩnh vực dịch vụ du lịch của đảo Cồn Cỏ đang ngày càng được chú trọng đầu tư phát triển và đang từng bước khẳng định vai trò mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế của huyện đảo. Mỗi năm, đảo Cồn Cỏ đón khoảng 10 ngàn lượt du khách ra tham quan nghỉ dưỡng.
Một góc đảo Cồn Cỏ
Ngay từ khi mới thành lập, huyện đảo Cồn Cỏ rất quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường, năm 2006 UBND huyện đã ban hành quy chế bảo vệ môi trường và nguồn tài nguyên thiên nhiên trên địa bàn huyện, năm 2009, huyện thành lập Tổ vệ sinh môi trường thuộc Ban Quản lý Cảng cá đảo Cồn Cỏ (nay là Trung tâm Dịch vụ và Du lịch huyện), năm 2016 huyện đầu tư xây dựng Khu xử lý rác tập trung từ nguồn vốn của quỹ bảo vệ môi trường, năm 2017 huyện triển khai mô hình đoạn bờ biển tự quản giao cho các cơ quan, đơn vị chủ động làm vệ sinh sạch bờ biển.
Hiện nay, khối lượng rác thải phát sinh trên địa bàn huyện đảo Cồn Cỏ chủ yếu từ 4 nguồn chính: rác từ bờ ra đảo: theo khách du lịch, các tàu chở khách, chở hàng, chở lương thực thực phẩm; rác thải sinh hoạt từ các cơ quan, đơn vị và hộ gia đình trên địa bàn huyện, năm 2023, số lượng thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn huyện đảo Cồn Cỏ là 36 tấn, thực hiện xử lý rác thải bằng phương pháp đốt tại lò đốt rác tập trung.
Bên cạnh đó, tại huyện đảo Cồn Cỏ còn có nhiều rác xây dựng phát sinh từ các công trình xây dựng; rác đại dương phát sinh rất lớn, đặc biệt vào mùa mưa bão. Huyện đã giao các cơ quan, đơn vị thực hiện thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải bãi biển theo mô hình Đoạn bờ biển tự quản. Hiện tại mới tập trung xử lý trong khoảng 4km bờ biển, đoạn từ Âu cảng đến hết Khu vực Sông Hương.
Có thể nói, trong những năm qua công tác thu gom vận chuyển rác thải trên địa bàn huyện đã mang lại những hiệu quả tích cực trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, tạo chuyển biến về ý thức và hành động của nhân dân trong việc bảo vệ môi trường… Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải trên địa bàn huyện còn tồn tại một số hạn chế như sau: rác thải chưa được phân loại tại nguồn, tỷ lệ rác thải nhựa chiếm tỷ trọng lớn gây khó khăn cho quá trình xử lý.
Rác thải tại một số nơi công cộng, điểm tham quan vào mùa du lịch chưa được thu gom triệt để do một bộ phận khách du lịch chưa có ý thức xả rác thải đúng nơi quy định, thùng rác đặt tại các điểm chưa đáp ứng được yêu cầu; rác thải bãi biển phát sinh với khối lượng lớn, tần suất thu gom còn hạn chế, chưa thu gom triệt để rác thải phát sinh; thành phần rác thải đa dạng, có nhiều loại khó xử lý, bên cạnh đó rác thải chưa được phân loại gây khó khăn cho công tác xử lý.
Nguồn lực dành cho thu gom, xử lý rác thải còn rất hạn chế, chủ yếu là nguồn ngân sách Nhà nước, chưa có sự chung tay góp sức của cả cộng đồng, nhân dân trên địa bàn huyện, các chính sách xã hội hóa nguồn vốn cho công tác bảo vệ môi trường còn rất hạn chế; ý thức bảo vệ môi trường của một bộ phận nhân dân, khách du lịch còn hạn chế; rác thải chưa được phân loại tại nguồn, nhận thức và cách làm về phân loại rác thải tại các hộ gia đình, cơ sở kinh doanh dịch vụ còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu.
Để nâng cao hiệu quả quản lý chất thải rắn trên địa bàn huyện nhằm cải thiện chất lượng môi trường, đảm bảo sức khỏe cộng đồng và phát triển bền vững, huyện đảo Cồn Cỏ xác định cần tận dụng được các thành phần có ích trong rác thải sinh hoạt thông qua tái chế, tái sử dụng; thực hiện từng bước công tác xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường, giảm chi ngân sách nhà nước cho hoạt động môi trường; nâng cao vai trò của người dân trong việc chung tay cùng với chính quyền thực hiện tốt công tác quản lý chất thải; nâng cao nhận thức cho chính người thải rác thải ra môi trường, đặc biệt là thay đổi thói quen và nâng cao ý thức của người dân về việc phân loại rác tại nguồn, bỏ rác đúng quy định coi phân loại rác tại nguồn là trách nhiệm và quyền lợi của từng người dân nhằm góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe, xây dựng nếp sống văn minh.
Huyện đảo Cồn Cỏ đề xuất một số nhiệm vụ, hoạt động nhằm xây dựng ý thức phân loại rác thải tại nguồn đối với các hộ dân cư, các cơ quan, tổ chức và khách du lịch trên đảo Cồn Cỏ; xây dựng đảo xanh Cồn Cỏ; giảm lượng rác thải đổ ra biển, bảo vệ hệ sinh thái biển tại Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ thông qua các hoạt động tăng cường thu gom, phân loại rác tại nguồn, giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế rác thải nhựa một cách hiệu quả phù hợp.
Nội dung hoạt động bao gồm: tổ chức tập huấn về các chính sách liên quan đến quản lý chất thải rắn sinh hoạt, phân loại rác tại nguồn, rác thải nhựa đại dương; hướng dẫn phân loại rác cho các cán bộ, chiến sỹ, các hộ dân, các nhà hàng, nhà nghỉ, các hộ kinh doanh buôn bán, các doanh nghiệp lữ hành trên đảo; hỗ trợ các thùng rác 3 ngăn cho các hộ dân trên đảo thực hiện phân loại rác; cấp phát giỏ, làn nhựa, túi giấy, hộp giấy, cốc… (in logo, khẩu hiệu hành động; cấp phát túi thân thiện môi trường; tuyên truyền trực quan; mua, lắp đặt thùng rác; đầu tư xe điện chở rác; sửa chữa, nâng cấp lò đốt rác; xây dựng hệ thống đội ngũ thu gom, xử lý rác sau khi phân loại; kiểm tra, giám sát hoạt động phân loại rác trên đảo; thực hiện các đợt thu gom dưới đáy biển quanh khu bảo tồn, bờ biển quanh đảo và nâng cao nhận thức cho cộng đồng ngư dân về ảnh hưởng của lưới ma đối với đa dạng sinh học biển; thành lập đội lặn để thu gom, tổ chức tập huấn lặn biển, đầu tư các trang thiết bị phục vụ công tác thu gom.
Trần Hà
- Phát động "Ngày Phụ nữ Thủ đô chung tay phân loại và xử lý rác thải" (23/09/2024)
- Tuổi trẻ Hà Tĩnh hưởng ứng chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn (23/09/2024)
- Tuổi trẻ Tân Biên, Châu Thành (Trà Vinh): Ra quân thực hiện chiến dịch "Làm cho thế giới sạch hơn" (23/09/2024)
- Hà Nội: Phát huy sức trẻ, thanh niên Thủ đô làm sạch môi trường sau bão số 3 (19/09/2024)
- TPHCM: Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân xây dựng khu dân cư “Sạch - xanh - thân thiện môi trường” (19/09/2024)
- Thiết kế không gian sống kết hợp làm việc (18/09/2024)
- Hội thảo Áp dụng mô hình thông tin công trình trong hoạt động xây dựng (18/09/2024)
- Đề xuất nhiều giải pháp kỹ thuật, công nghệ phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai tại khu vực Tây Nguyên, Đồng bằng Sông Cửu Long và lãnh thổ Việt Nam (18/09/2024)
- Đánh giá khả năng làm việc của bê tông siêu cường độ trộn nhiều loại cốt sợi (18/09/2024)
- Thực trạng xử lý, thu gom và phân loại rác tại nguồn ở huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang (18/09/2024)
- Hà Giang: Mùa trăng ‘bảo vệ môi trường’ nơi địa đầu Tổ quốc (17/09/2024)
- Cần Thơ: Tổ chức các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2024 (17/09/2024)
- Hà Nội: Tăng cường nhân lực xử lý rác thải, bảo đảm vệ sinh môi trường sau bão số 3 (16/09/2024)
- Huyện Dầu Tiếng (Bình Dương): Tỷ lệ rác thải sinh hoạt được thu gom, xử lý đạt 94,4% (16/09/2024)
- Vai trò của cộng đồng trong phân loại rác thải tại nguồn (16/09/2024)
- Lạng Sơn: Chung tay chống rác thải nhựa (16/09/2024)