JSOFT
Hà Nội xây dựng đề án “hồi sinh” các dòng sông
12/12/2024
(MOC.GOV.VN) - Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã quan tâm đầu tư cải tạo môi trường các dòng sông, nhưng vẫn chưa có giải pháp tổng thể để hồi sinh các dòng sông “chết” và khai thác giá trị lịch sử, văn hóa theo hướng phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Thành phố đang tập trung xây dựng đề án tổng thể phục hồi chất lượng môi trường nước, phát triển đồng bộ kỹ thuật kết hợp quy hoạch kiến trúc cảnh quan bốn dòng sông nội đô.



Sông Tô Lịch sẽ sớm được "hồi sinh"

Vấn đề này lại tiếp tục trở thành đề tài “nóng” tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 20 Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa 16 diễn ra từ ngày 9 đến 12/12.

Chất vấn lãnh đạo Sở Xây dựng và Sở Tài nguyên và Môi trường, đại biểu Vũ Mạnh Hải (tổ huyện Thường Tín) nêu vấn đề, Ủy ban nhân dân thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành tham mưu dự án xây dựng đường ống riêng để bổ trợ nước sông Hồng qua hồ Tây cho sông Tô Lịch, còn giải pháp đối với các sông khác thì ra sao?

Trước đó, thành phố đã giao các đơn vị triển khai đề án phục hồi chất lượng môi trường nước, phát triển đồng bộ kỹ thuật kết hợp quy hoạch kiến trúc cảnh quan bốn sông nội đô, gồm sông Tô Lịch, Lừ, Sét, Kim Ngưu giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, nhưng tiến độ triển khai chưa đạt yêu cầu. Khó khăn, vướng mắc do đâu?

 

Công nhân Công ty Thoát nước Hà Nội thường xuyên nạo vét các dòng sông.

Trả lời vấn đề này, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết, sông Tô Lịch, Lừ, Kim Ngưu, Sét nằm trong khu vực đô thị khoảng 17,5km2. Về giải pháp, toàn bộ nước thải của sông Tô Lịch, sông Lừ được thu gom về Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá; nước thải của sông Kim Ngưu, Sét được thu về Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở.

Để bổ cập nước cho sông Tô Lịch, Sở Xây dựng đang phối hợp cùng các đơn vị triển khai đồng bộ với các sông còn lại, do đây là nhiệm vụ nằm trong tổng thể đề án bảo tồn, phát huy, cải tạo môi trường của các con sông trong nội thành. Trong đó, giải pháp chính được thống nhất đưa ra là tập trung cải thiện toàn bộ nguồn thải và bổ cập nước bằng hai nguồn chính, gồm nguồn nước thải sau khi xử lý quay ngược lại cho các dòng sông và nguồn nước từ bên ngoài như từ sông Hồng để bổ cập cho các sông.

Cùng tham gia trả lời đại biểu về vấn đề này, Giám đốc Sở tài nguyên và Môi trường Lê Thanh Nam cho biết, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Sở đã triển khai đồng bộ các nội dung của đề án, nhiều lần báo cáo thành phố, nhưng vẫn còn một số nội dung bất cập trong quá trình thực hiện cần hoàn thiện. Theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố, các giải pháp cần phải tổng thể hơn, xin thêm ý kiến của các chuyên gia về các giải pháp triển khai.

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, bổ sung và cập nhật thêm theo Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội để bảo đảm công tác quy hoạch kiến trúc, thiết kế cảnh quan cho bốn con sông nội đô cả về giá trị lịch sử, văn hóa, môi trường sinh thái đô thị, theo hướng phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết thêm, các nội dung, giải pháp đưa ra được đề xuất theo hướng cải thiện chất lượng nước, duy trì dòng chảy sinh thái, tăng cường quá trình làm sạch tự nhiên của các con sông, bổ cập nước tự nhiên; quy hoạch môi trường thoát nước, cảnh quan bảo đảm trên nguyên tắc thu gom triệt để nước thải, mở rộng lòng sông, cây xanh hai bên bờ… Đơn vị đang hoàn chỉnh các nội dung liên quan đến dự án và dự kiến hoàn chỉnh trình Ủy ban nhân dân thành phố ngay trong tháng 1/2025. 

Theo nhận định của các chuyên gia quy hoạch, việc cải tạo các sông trong địa bàn Thủ đô là nhu cầu tất yếu và cấp bách nhằm bảo đảm nguồn nước, môi trường nước không chỉ trên sông mà còn liên quan đến diện tích tưới tiêu của các công trình thuỷ lợi, an toàn trước thiên tai và làm đẹp cảnh quan cho Thủ đô Hà Nội.

Việc xây dựng quy hoạch tổng hợp, đa mục tiêu, tăng nguồn nước, dòng chảy mùa kiệt, chống lũ lụt và gắn kết với quy hoạch giao thông, xây dựng, vui chơi giải trí và văn hoá, lịch sử của Thủ đô sẽ góp phần tạo dựng hình ảnh hài hòa, gắn kết giữa thiên nhiên và con người; đồng thời khai thác hiệu quả quỹ đất hai bên sông, tạo thêm nguồn lực lớn xây dựng Thủ đô ngày càng xanh, sạch, đẹp.

Theo nhandan.vn

 

Tin chỉ đạo, điều hành

Quảng Ninh: Tháng cao điểm ra quân tổng dọn vệ sinh môi trường Vịnh Hạ Long

Hội thảo “Lấy ý kiến sửa đổi Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn cháy cho nhà và công trình”

Penetron và các tiêu chuẩn môi trường trong xây dựng

Góp ý cho dự thảo Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ ngành Xây dựng giai đoạn 2021-2030

Khai mạc phiên chính thức Đại hội Đại biểu Đảng bộ Bộ Xây dựng lần thứ IX, nhiệm kỳ 2020-2025

Quyết định về việc thành lập Hội đồng tư vấn đánh giá nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng năm 2019 của Viện Vật liệu xây dựng

Quyết định về việc thành lập Hội đồng tư vấn đánh giá nghiệm thu kết quả nhiệm vụ KHCN “Nghiên cứu, đề xuất giải pháp đầu tư, quản lý, khai thác không gian ngầm phục vụ công cộng đô thị thích ứng với điều kiện Việt Nam”

Bộ Xây dựng trao Quyết định bổ nhiệm Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường

Le Doan Hop

Thông báo về việc tuyển chọn, xét giao trực tiếp các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ thực hiện năm 2025

Thông báo về việc tuyển chọn, giao nhiệm vụ nguồn vốn sự nghiệp bảo vệ môi trường thực hiện trong kế hoạch năm 2025 và giai đoạn 2025-2027 của Bộ Xây dựng

Thông báo đề xuất các nhiệm vụ từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường năm 2025 và giai đoạn 03 năm (2025-2027)

Thông báo về việc tuyển chọn, xét giao trực tiếp các nhiệm vụ khoa học và công nghệ bổ sung cấp Bộ thực hiện năm 2024

Thông báo đề xuất các nhiệm vụ từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường năm 2024 và giai đoạn 03 năm (2024-2026)

Thông báo về việc tuyển chọn bổ sung nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ thực hiện năm 2023 lĩnh vực biến đổi khí hậu

Mời tham dự Hội thảo đào tạo với chủ đề “Thúc đẩy phát triển công trình phát thải ròng bằng 0 – Kinh nghiệm quốc tế và giải pháp khuyến nghị cho Việt Nam”

Công bố danh mục và các tài liệu hướng kỹ thuật trong lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật đô thị và môi trường do Bộ Xây dựng quản lý

® MOC giữ bản quyền nội dung trên website này.
THÔNG TIN LIÊN HỆ.