Ngày 20/4/2018, Thủ tướng Chính phủ đã có công văn số 523/TTg-CN chỉ đạo giải quyết vướng mắc một số quy định tại Quyết định số 452/QĐ-TTg ngày 12/4/2017 về phê duyệt Đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng.
Công văn nêu rõ, Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ, ngành liên quan sớm hoàn thành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón làm vật liệu san nền và đường giao thông; tiếp tục nghiên cứu, xây dựng chính sách khuyến khích sử dụng vật liệu xây không nung, hạn chế sử dụng vật liệu nung. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp các Bộ Công Thương, Xây dựng hướng dẫn các chủ cơ sở phát thải thực hiện xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao làm vật liệu xây dựng theo quy định về môi trường…
Để đạt mục tiêu xử lý tro, xỉ, cần sự tham gia của tất cả các chủ thể như cơ quan quản lý nhà nước, chủ nhà máy nhiệt điện…
Hoàn thành hệ thống tiêu chuẩn
Theo TS. Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Nhiệt Việt Nam, trên thế giới tro, xỉ từ nhà máy nhiệt điện than hầu như được tận dụng hết để làm vật liệu xây dựng. Điển hình như Nhật Bản sử dụng 100% tro, xỉ; Hàn Quốc sử dụng trên 95% tro, xỉ. Thậm chí, nhiều nước còn phải nhập khẩu tro, xỉ để làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng. Có thể nói, so với nhu cầu làm vật liệu xây dựng của Việt Nam hiện nay thì khối lượng tro, xỉ thải ra từ các nhà máy nhiệt điện than là khá ít nếu được khai thác triệt để.
Thực tế, ngay từ cuối tháng 4/2010, Chính phủ đã có Quyết định 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 phê duyệt Chương trình Phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020. Mục tiêu chung đặt ra là phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung để thay thế gạch đất sét nung, tiết kiệm đất nông nghiệp, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, giảm thiểu khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm môi trường, giảm chi phí xử lý phế thải của các ngành công nghiệp, tiết kiệm nhiên liệu than. Thậm chí, tại Quyết định này còn nêu rõ, hàng năm sử dụng khoảng 15 - 20 triệu tấn phế thải công nghiệp (tro, xỉ nhiệt điện, xỉ lò cao…) để sản xuất vật liệu xây không nung.
Đứng từ góc độ doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng không nung, đại diện lãnh đạo Công ty CP Sông Đà Cao Cường cho hay, từ năm 2010 đến nay, doanh nghiệp đã bỏ ra cả trăm tỷ đồng đầu tư để đón đầu. Tuy nhiên, doanh nghiệp phải đối mặt với không ít khó khăn khi không có chỉ dẫn về chất lượng tro, xỉ. Hiện, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, tro, xỉ vẫn được quy định là vật liệu nguy hại. Điểm này cần phải làm rõ, đây là chất thải như thế nào, tái sử dụng làm vật liệu sản xuất thì ra sao, thậm chí cần làm rõ quy chuẩn, tiêu chuẩn cụ thể... “Các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Pháp… đưa quy chuẩn rất tốt như khi sử dụng tro, xỉ làm xi măng thì thế nào, dùng làm vật liệu không nung thì ra sao”, vị đại diện này cho hay.
Công ty TNHH Xây dựng Thanh Tuyền cũng là một trong những doanh nghiệp quan tâm đầu tư dây chuyển sản xuất gạch không nung tự động với công suất khoảng 80 triệu viên/năm. Theo ông Vũ Thanh Tuyền, Giám đốc Công ty, muốn nhân rộng sản phẩm gạch không nung ra thị trường, doanh nghiệp rất cần sự quan tâm của Chính phủ cũng như các bộ, ban, ngành. Trong việc đưa ra quy định, tiêu chuẩn về tro, xỉ cần giao rõ trách nhiệm cho các bộ, ban, ngành liên quan. Điều này nhằm tạo cơ sở cho doanh nghiệp hoạt động chứ vẫn chung chung thì không thể giải quyết được, ông Tuyền nhấn mạnh.
Xung quanh câu chuyện này, TS. Trương Duy Nghĩa nêu quan điểm, việc xây dựng, ban hành đầy đủ hệ thống tiêu chuẩn quốc gia về tro, xỉ cũng như về các sản phẩm được sản xuất từ tro, xỉ thực tế đã quá chậm. Đây là điều rất cấp thiết, bởi vậy thời gian tới cần sớm hoàn thành.
Ưu tiên vật liệu xây dựng không nung
Trong câu chuyện gỡ “nút thắt” trong xử lý tro, xỉ tại các nhà máy nhiệt điện than, TS. Trương Duy Nghĩa bày tỏ, chúng ta chưa đặt nhiệm vụ sử dụng tro, xỉ trong vật liệu xây dựng. Vấn đề này Chính phủ đã nêu ra cả chục năm nhưng chuyển biến còn chậm. Rõ ràng đó là do một số mặt chính sách. Các ngành chức năng phải tìm hiểu xem tại sao chậm trễ, chậm ở khâu nào để giải quyết”. Còn theo đại diện Công ty CP Sông Đà Cao Cường: Để góp phần tiêu thụ lượng tro, xỉ hiện nay, cần chính sách để đưa vật liệu không nung lên hàng đầu. Doanh nghiệp đầu tư công nghệ lo triệt để, toàn diện nhưng phải có chính sách quyết liệt của Nhà nước.
Đồng tình với quan điểm này, TS. Trương Duy Nghĩa phân tích thêm, thực tế trong số lượng xỉ thải ra, lượng xỉ được sử dụng gần hết trong sản xuất xi măng. Vấn đề chủ yếu là xử lý tro bay. Theo tính toán, tới năm 2030 cũng mới chỉ có 20 triệu tấn tro bay. Nếu sử dụng hết tro bay để sản xuất gạch không nung thì sẽ sản xuất được 12 tỷ viên gạch/năm. Trong khi đó, dự báo nhu cầu gạch của Việt Nam năm 2030 là 40 tỷ viên gạch/năm.
Tôi đề nghị có chính sách khuyến khích sản xuất và sử dụng gạch không nung từ tro bay của nhà máy nhiệt điện than; có lộ trình tiến tới cấm sản xuất gạch nung cho tất cả các loại lò, kể cả lò tuynen. Bên cạnh đó, cần chỉ đạo ngành xây dựng và ngành giao thông buộc phải sử dụng tro, xỉ và các sản phẩm vật liệu xây dựng từ tro, xỉ, thạch cao từ nhà máy nhiệt điện than trong công tác xây dựng của mình, TS. Trương Duy Nghĩa nói.
Liên quan tới vấn đề này, đại diện một số doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng không nung đưa ra đề xuất, Nhà nước có thể hỗ trợ doanh nghiệp một số vấn đề về vốn vay ưu đãi hay về thuế trong 3 - 5 năm đầu đầu tư dự án, hỗ trợ về yếu tố giá thành khi DN dùng tro, xỉ từ các nhà máy… Tất cả những điều đó nhằm giúp các doanh nghiệp sản xuất gạch không nung cạnh tranh tốt hơn với các sản phẩm gạch nung truyền thống.
Theo vatlieuxaydung.org.vn
- Sắp diễn ra Hội thảo Quốc tế về vật liệu xây dựng (21/10/2019)
- Bộ Xây dựng sửa đổi Quy chuẩn 06:2010 về an toàn cháy cho nhà và công trình (23/09/2019)
- Bộ trưởng Phạm Hồng Hà chủ trì cuộc họp về Dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà chung cư (09/08/2019)
- Đảng ủy Bộ Xây dựng triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2019 (01/08/2019)
- Bộ Xây dựng triển khai Hợp phần Nghiên cứu thí điểm chuẩn bị sẵn sàng cho xây dựng thị trường carbon trong lĩnh vực quản lý chất thải rắn ở Việt Nam (02/05/2019)
- Hội thảo quốc tế tham vấn về quản lý và xử lý phân bùn nhà tiêu ở Việt Nam (02/05/2019)
- Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng thăm và làm việc tại Châu Âu (17/09/2018)
- Triển khai kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh Việt Nam đến 2030 (14/08/2018)
- Bộ Xây dựng bổ nhiệm Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (06/04/2018)
- Điều động, bổ nhiệm TS. Lê Trung Thành giữ chức Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng (06/04/2018)
- Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng (23/02/2018)
- Tập huấn quản lý hoạt động thí nghiệm chuyên ngành Xây dựng (07/11/2017)
- Chỉ thị tăng cường công tác quản lý hoạt động thí nghiệm chuyên ngành xây dựng (22/09/2017)
- Ban hành Kế hoạch hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong công nghiệp xi măng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (04/08/2017)
- Hội nghị Đánh giá tình hình thực hiện Chiến lược KHCN ngành Xây dựng và Chương trình phối hợp giữa Bộ Xây dựng và Bộ Khoa học và Công nghệ giai đoạn 2016 - 2020 (25/07/2017)
- Thứ trưởng Lê Quang Hùng làm việc tại Hoa Kỳ về hợp tác trong lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật (03/07/2017)